Chung tay đưa đồng vốn “tam nông” tới hội viên, nông dân
17:32 - 26/04/2019
(Quỹ HTND)- Việc tăng cường hợp tác liên ngành giữa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) với Hội Nông dân Việt Nam thông qua tổ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi để giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.
Mô hình đa cây, đa con vay vốn thông qua Hội Nông dân Cà Mau
 

Đến nay, Agribank đã triển khai được trên 57.000 tổ vay vốn và hơn 1,3 triệu tổ viên, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,3% tổng dư nợ). Dư nợ cho vay qua tổ vay vốn và dư nợ bình quân một tổ liên tục tăng, hiện nay dư nợ cho vay qua tổ vay vốn đạt 110 ngàn tỷ đồng.


Mô hình cho vay qua tổ vay vốn tạo điều kiện hơn cho khách hàng, nhất là các hộ vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn vốn, đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.


Tại nhiều địa phương trên cả nước mô hình tổ vay vốn được Agribank và Hội ND triển khai rất mạnh và hiệu quả.


Năm 2018, tổng dư nợ của Agribank Tuyên Quang đạt 6.580 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn của Hội Nông dân đạt 943,1 tỷ đồng với 756 tổ và 16.614 thành viên.


Sau khi vay vốn, Hội tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, quản lý vốn vay cho hội viên.


Tính đến tháng 4 năm 2019, dư nợ cho vay qua 5.383 tổ vay vốn của Agribank Thanh Hóa đạt 10.675 tỷ đồng với 165.196 thành viên còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tổ vay vốn thông qua kênh Hội Nông dân là 6.668 tỷ đồng, với 104.470 thành viên còn dư nợ.


Ông  Hứa Xuân Hưng, thôn 6, xã Tân Ninh, Triệu Sơn tham gia tổ vay vốn của Hội Nông dân từ năm 2010. Thông qua tín chấp của  Hội Nông dân xã, ông vay 100 triệu đồng của Agribank Triệu Sơn để đầu tư trồng cây lâu năm lấy gỗ, cây ăn quả và khu trang trại chăn nuôi gà Ai Cập với quy mô gần 17 nghìn con.


 Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi lên tới hàng trăm triệu đồng; khu trang trại của ông cũng đang tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ mỗi năm.


Đi đôi với thành lập các tổ vay vốn, Hội Nông dân các cấp tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Ngân hàng Agribank tổ chức tập huấn cho các hộ vay vốn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh...


Nhằm giúp hộ hội viên nông dân đủ điều kiện vay vốn, Agribank Sơn La phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố thành lập các tổ vay vốn.


Bên cạnh đó, hội viên còn được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm; từ đó, trình độ nhận thức của các hội viên được nâng lên rõ rệt về các mặt quản lý sản xuất, chi tiêu góp phần cho việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.


Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm hai bên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ. Nhờ đó, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, hạn chế tình trạng người dân đi vay lãi xuất cao, tín dụng đen.


Đặc biệt,  Agribank áp dụng xe chuyên dụng phục vụ cho bà con vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong những nội dung thể hiện sự chia sẻ, đồng hành và đồng cảm với bà con vùng sâu xa


Phát huy những kết quả đạt được, Agribank Sơn La tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai hiệu quả các nội dung Nghị định 55 của Chính phủ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu đến năm 2023, dư nợ  cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ đạt 12.400 tỷ đồng, chiếm 62%/tổng dư nợ.


Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định 55  hơn nữa, Agribank và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày càng đẩy mạnh các biện pháp hữu hiệu, đồng hành cung ứng kịp thời nhu cầu về vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích tới với người nông dân.

Hải Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường